Truyền thống trường Tiểu học Quảng Minh - TP Sầm Sơn
A.PHẦN THỨ NHẤT
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH ĐỊA PHƯƠNG.
Quảng Minh là một xã phía Tây của thành phố Sầm Sơn, là một xã thuần nông, có diện tích tự nhiên là 4km2 và có dân số hơn 5000 nhân khẩu được phân bố thành 5 thôn.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhân dân địa phương đã đóng góp sức người, sức của cùng cả nước giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Biết bao người con đã hi sinh cả cuộc đời mình, không ít người đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Hòa bình lập lại họ lại trở về để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Trong kháng chiến cũng như xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Đảng bộ xã luôn chăm lo cho công tác bồi dưỡng phát triển Đảng. Hiện nay trong toàn Đảng bộ xã có .. đảng viên, sinh hoạt tại ..Chi bộ. Năm 2019 Đảng bộ được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Phát huy truyền thống đã đạt được, nhân dân địa phương đã từng ngày xây dựng đời sống kinh tế ngày càng ổn định và phát triển, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, đời sống văn hóa của nhân dân cũng được thay đổi, có 70% số gia đình đạt gia đình văn hóa. Chính vì thế trong những năm gần đây thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do MTTQ Việt Nam phát động. Đến nay, 8 thôn đã có nhà văn hóa để hội họp, vui chơi, hiện nay toàn xã Quảng Minh có 5 làng văn hóa cấp huyện, thị đó là: làng Minh Thiện, làng Đà, làng Đại Đồng, làng Trường Thọ, làng Phúc Quang, các làng còn lại và các cơ quan đóng trên địa bàn xã đều đạt cơ quan văn hóa..
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống của quê hương, người dân Quảng Minh đã vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bộ mặt quê hương đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay toàn xã có 8 ô tô con, hàng trăm xe máy, số hộ nghèo giảm, số gia đình được công nhận ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo và gia đình hiếu học ngày càng tăng dần.
Các công trình phúc lợi: Trường Tiểu học, trường THCS, trường Mầm Non, trạm y tế đã được xây dựng kiên cố và cao tầng. Toàn bộ xã đã hoàn thành nhựa hóa đường liên xã, liên thôn. Trong chiến đấu dũng cảm, kiên cường, trong lao động người dân Quảng Minh cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó. Đây là niềm tự hào của người dân Quảng Minh. Dù đi đâu, ở đâu và làm gì những người con Quảng Minh cũng đều nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi khai sinh đầu đời với niềm tự hào khôn tả.
II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH NHÀ TRƯỜNG:
Trường Tiểu học Quảng Minh được xây dựng trên khu đất với diện tích là 7000m2, nằm ngay trung tâm xã Quảng Minh.
Với ngôi trường khang trang gồm 2 tầng và 12 phòng học, hai phòng hiệu bộ, 1 phòng thư viện, 1 phòng thiết bị, 1 văn phòng, 1 phòng đội y tế, 1 phòng sinh hoạt chuyên môn và 1 phòng bảo vệ. Hiện nay nhà trường có 22 CBGV và 415 em học sinh được biên chế thành 13 lớp. trong đó: cán bộ quản lý 02, Giáo viên đặc thù 04( 1 hợp đồng), kế toán 01( hợp đồng), thư viện thiết bị 01, giáo viên đứng lớp 12. Tổng số Đảng viên 11 đồng chí.
Trình độ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 100%. Nhà trường đã hoàn thành phổ cập GDTH đúng độ tuổi. Trong những năm gần đây Đảng bộ và nhân dân địa phương cùng với các thầy giáo, cô giáo trong nhà trường không ngừng chăm lo cơ sở vật chất, tu sửa khuôn viên trường học, thi đua dạy tốt-học tốt.
Từ năm 2006 2008, nhà trường đã đầu tư làm bồn hoa, cây cảnh, nhà xe giáo viên. Hệ thống bồn hoa, cây cảnh nhà trường đang đua nhau khoe sắc tạo cho cảnh quan môi trường xanh-sạch- đẹp. Chất lượng giảng dạy ngày một nâng cao. Tỉ lệ học sinh lên lớp đạt 98% trở lên, học sinh lớp 5 đạt hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Có nhiều giáo viên giỏi cấp thành phố, học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.
*THUẬN LỢI
Nhà trường được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Sự chỉ đạo sát sao trực tiếp của phòng GD&ĐT.
Được sự ủng hộ, tham gia đóng góp nhiệt tình của nhân dân, hội cha mẹ học sinh bằng cả tinh thần và vật chất tạo nên khuôn viên trường học khang trang. Đội ngũ cán bộ GV có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, có lối sống lành mạnh, đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Xây dựng tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong môi trường sư phạm. Chi bộ- BGH-Công đoàn là một khối đoàn kết, thống nhất tạo ra sức mạnh tổng hợp để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
* KHÓ KHĂN.
So với yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới trường vẫn có những hạn chế nhất định: Còn thiếu phòng học, một số phòng học vẫn tồn tại bàn ghế cũ, chưa có phòng học chức năng, vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện gặp nhiều bất cập.
Đời sống nhân dân xã Quảng Minh còn nghèo, một bộ phận phụ huynh đi làm ăn xa nên ít có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con cái. Vì vậy ảnh hưởng không nhỏ dến kết quả dạy-học của nhà trường.
Một số giáo viên nhà ở xa nơi làm việc nên đi lại gặp không ít khó khăn.
B. PHẦN THỨ HAI
I. VÀI NÉT VỀ GIÁO DỤC QUẢNG MINH TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945.
Cho đến bây giờ chưa có một văn bản của cá nhân hoặc tổ chức nào ghi lại Giáo dục xã nhà thời phong kiến. Song do chính sách ngu dân thời Pháp thuộc, giáo dục Việt Nam phát triển chậm.
Năm 1900 cả Thanh Hóa chỉ có 2 trường Tiểu học có lớp cuối cấp( Primaie) với số học sinh ít ỏi.
Năm 1930 cứ 1 triệu dân mới có 40 học sinh tiểu học, ở thời kỳ này số người biết chữ Quốc Ngữ ở xã ta còn rất ít.
Nhìn chung trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 trình độ dân trí của nhân dân còn thấp.
II.QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG MINH:
1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1953.
Cách Mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/9/1945 Bác Hồ nêu rõ: Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân Pháp dùng để cai trị dân ta và đề nghị mở chiến dịch xóa nạn mù chữ. Lúc này, lớp học được tổ chức bất kỳ nơi đâu tạo thuận lợi cho nhân dân đi học, kể cả hình thức bắt buộc đi học như: Treo bảng hỏi chữ, ai không đọc được phải ghi tên mình vào danh sách để đi học
Vào năm 1954, theo chủ trương của UB hành chính lúc bấy giờ quyết định tách xã Quảng Cát thành 3 xã: Xã Quảng Minh, xã Quảng Tâm, xã Quảng Cát. Lúc này xã Quảng Minh được ra đời, cũng năm 1954 xã Quảng Minh chính thức có trường học, lúc bấy giờ chỉ có 4 lớp học và trên cơ sở một trường học làng, học sinh được học chương trình SGK do Bộ giáo dục biên soạn. Học chữ Quốc ngữ với chương trình giảng dạy 5 năm. Và cũng thời kỳ này, công tác xã hội hóa giáo dục của xã được toàn dân hưởng ứng quan tâm ( dân cho mượn nhà, đặt lớp )
2. Giai đoạn 1954 đến 1963.
Tiền thân là một trường được thành lập từ khi tách riêng 3 xã, thì lúc này trường gặp không ít khó khăn: Vừa đối mặt với đời sống dân sinh, kinh tế còn nhiều thiếu thốn; vừa đối mặt với trường lớp còn nghèo nàn, lạc hậu. Tuy vậy Quảng Minh đến năm 1956 trường có 03 lớp và 03 giáo viên với 10 học sinh. Địa điểm trường đặt tại làng Minh Thịnh (Thôn Minh Thịnh ngày nay), do thầy Nguyễn Đăng Hòa quê ở Quảng Giao làm hiệu trưởng.
Năm học 1956 - 1957 trường có thêm 1 lớp nữa, các lớp được học trong các nhà dân, đình chùa, do thầy Nguyễn Sĩ Luân người Quảng Giao làm hiệu trưởng.
Năm học 1958 - 1959 đây là năm thứ tư hệ thống giáo dục phổ thông của đất nước chuyển từ hệ 9 năm sang hệ 10 năm. Trường Tiểu học Quảng Minh lúc này có 06 lớp, đã mở đầu cho sự phát triển trường cấp 1,2 Quảng Minh.
Cho đến năm học 1960 - 1961 trường được phát triển rộng, địa điểm lớp học được đặt ở nhiều nơi trong xã như: làng Quảng Trường( xóm Minh trường), Nghè (Minh Thịnh),..trong các nhà dân. Số học sinh thời gian này ngày một tăng lên có tới 370 em/lớp. Thời gian này do thầy Đoàn Công Kim quê Quảng Hải làm hiệu trưởng.
Năm học 1962 - 1963 số học sinh lên đến 400 em, đồng thời số lớp cũng tăng thêm 09 lớp. Trường do thầy Đàm Lê Cẩn quê Quảng Thịnh làm hiệu trưởng.
Năm học 1963 - 1964 trường gồm 8 lớp và 7 giáo viên do thầy Doãn Lê Đệ quê Quảng Cát làm hiệu trưởng.
Tuy ở giai đoạn này có rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng thầy và trò trường Tiểu học Quảng Minh vẫn nỗ lực và luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3. Giai đoạn từ năm 1964 đến 1975.
Năm 1964 cuộc chiến tranh leo thang của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt các lớp học đều phải sơ tán vào thôn xóm dưới những lùm cây. Nhiều hôm đang học máy bay Mỹ gầm rú, oanh tạc, bài học bị đứt quãng, song chúng không thể dập tắt được tinh thần hăng say Dạy-học của thầy và trò. Điều đáng ghi nhận là trong suốt những năm tháng chiến tranh trường vẫn vươn lên thi đua dạy tốt, học tốt. Không những thế, mỗi thầy giáo, cô giáo đều thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người, các thầy, các cô và học sinh vẫn hàng ngày đội mũ rơm đến trường, hăng say giảng dạy, học tập dưới hầm, chiến hào. Nhiều trẻ em nghèo, một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình theo phương châm tuổi nhỏ làm việc nhỏ cũng không quên đem sách ra đồng học trên lưng trâu, bãi cỏ, hay cặm cụi đọc sách dưới ánh trăng suông.
Năm học 1965 -1966 trường có 420 học sinh với số lớp từ 07-09 lớp.
Năm học 1967-1968 trường vẫn duy trì được 08 đến 09 lớp, trong suốt giai đoạn này, trường do thầy Nguyễn Nhân Tuyên, quê Quảng Tâm và thầy Nguyễn Văn Bản quê Quảng Đức làm hiệu trưởng. Đặc biệt trong năm học này trường vinh dự đón đồng chí Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên về thăm trường. ( Lúc đón tiếp đồng chí Bộ trưởng Bộ giáo dục tại một văn phòng chỉ là một lán nhỏ xung quanh trát vách đất).
Năm 1969 đến năm 1973 trường có 8 lớp với 8 giáo viên học tại làng Quảng Trường và phân tán ở nhiều nhà dân.
Năm học 1973-1974 trường lớp ngày một được củng cố và hoàn thiện. các lớp học ở thời gian này đều học tập trung ở một khu đó là khu đình chùa làng Nghệ. Lúc này trường có 6 phòng học do dân tự đóng gạch và xây dựng nên, về sau thêm 4 phòng cửa chớp thật kiên cố. trong thời gian này người lãnh đạo nhà trường là cô Hoàng Thị Kim và thầy Đới Sỹ Lâu làm hiệu trưởng, lúc này trường có khoảng 12 lớp học. đồng thời trường được ghi nhận là trường tiên tiến cấp huyện.
4. Giai đoạn từ 1975 đến 1995.
Chiến tranh kết thúc, non sông thu về một mối, trong không khí tưng bừng của cả nước mới được giải phóng, trường cấp 1, 2 vẫn hợp nhất thành trường PTCS Quảng Minh. Hơn lúc nào hết Đảng bộ, chính quyền địa phương đã huy động sức người, sức của trong nhân đân để đóng gạch, đốt lò tại khu Mã Cây( chùa Đình của làng Nghè) để xây dựng 10 phòng học cấp 4, trong đó có 4 cửa chớp vững chắc. Từ năm 1975 đến 1978 trường do cô Nguyễn Thị Giang quê Hà Tĩnh làm hiệu trưởng, thầy Lê Xuân Phong người Quảng Đại làm hiệu phó.
Từ năm 1979 đến năm 1980 nhà trường do thầy Nguyễn Huy Vinh, người Quảng Minh làm hiệu trưởng, trong thời gian này trường cũng đã đạt trường tiên tiến cấp huyện, lúc này nhà trường thành lập 1 chi bộ với tổng số 3 đảng viên( đ/c Nguyễn Huy Vinh, đ/c Nguyễn Băng Giới, đ/c Lê Xong Phong).
Năm 1981 đến năm 1984 trường do cô Lê Thị Thoa, quê Quảng Hùng làm hiệu trưởng, cô Lưu Thị Vở làm hiệu phó. Trường có tới 15 lớp, sĩ số từ 37 đến 40 em / lớp và có tổng số 23 giáo viên. Chi bộ nhà trường lúc này phát triển rất mạnh, có 6 d/c( đ/c Lê Thị Minh, Lê Thị Thoa, Lưu Thị Vở, Trần Xuân Diện, Trần Quốc Đạt, Nguyễn Thị Huệ).
Năm 1985 đến năm 1988 trường gồm 15 lớp, số học sinh lên đến gần 500 em. Thời gian này do thầy Nguyễn Văn Viên và thầy Lê Văn Nhân quê Quảng Châu làm hiệu trưởng.
Từ năm 1989 đến năm 1995 do thầy Lưu Xuân Hân quê Nghệ An làm hiệu trưởng. Trong những năm học này trường luôn có gắng và không ngừng thi đua dạy tốt học tốt, số giáo viên giỏi được tăng lên( cô Trịnh Thị Bình được giáo viên giỏi cấp huyện).
5. Giai đoạn 1996 đến 2001.
Từ năm 1991-1998 theo yêu cầu đổi mới của giáo dục, trường Tiểu học được tách ra từ trường PTCS do thầy Lưu Xuân Hân làm hiệu trưởng. Chất lượng dạy học của nhà trường được duy trì và phát triển. Số lớp 17 với biên chế 35em/lớp. Lúc này trường có 1 giáo viên giỏi tỉnh đó là đồng chí Nguyễn Thị Thủy. Đồng thời nhà trường mới có 2 đảng viên( đ/c Lưu Xuân Hân và đ/c Lê Thị Minh).
Trong giai đoạn này trường có 17 lớp học với 21 cán bộ giáo viên, giáo viên giỏi cấp huyện được tăng thêm đó là cô Hồ Thị Hường. Thời gian này chi bộ nhà trường được hợp nhất giữa 3 trường đó là: Trường THCS, trường Tiểu học , trường Mầm non- Bí thư chi bộ là thầy Đào Đình Chính.
Đến năm 2000-2001 đã có hội khuyến học mới, có BCH lâm thời do ông Lê Vạn Dần làm chủ tịch. Song được sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn là niềm tin, là điểm tựa cho thầy và trò trường Tiểu học vươn lên dạy tốt-học tốt, số giáo viên giỏi được tăng lên nhiều, chất lượng đậu tốt nghiệp của học sinh đạt từ 95-98%, trong đó có 2 học sinh giỏi cấp huyện( em Hồ Như Hoa lớp 5B, em Lê Thị Vân lớp 5B, 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh( cô Lê Thị Phương). Năm học này trường có 21 giáo viên và có tới 523 học sinh do cô Lê Thị Minh người Quảng Minh làm quyền hiệu trưởng và cô Đỗ Thị Thân quê Thọ Xuân làm hiệu phó.
6. Giai đoạn từ năm 2001 đến tháng 7 năm 2016
Tháng 11 năm 2001 đến tháng 11 năm 2005 trường do cô Đỗ Thị Thân làm hiệu trưởng, thầy Lê Như Cảnh người Quảng Đông làm hiệu phó. Lúc này trường gồm 28 giáo viên và 17 lớp, mỗi lớp có từ 30 đến 33 em.
Năm học 2002-2003 được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân, quy mô trường lớp, số học sinh tăng nhanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học được tăng cường, không còn cảnh học sinh phải học ở ba khu riêng biệt, không còn cảnh thầy và trò phải lội bùn đến lớp, thầy và trò không phải học dưới những ngôi nhà cũ dột nát, xiêu vẹo nữa.
Bằng việc nỗ lức không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà trường chỉ có 4 đảng viên phải sinh hoạt chung với trường cấp 2 và Mầm non, thời điểm này nhà trường đã có 1 chi ủy- chi bộ với 12 đảng viên và lực lượng kế cận hùng mạnh. Đội ngũ giáo viên trong trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Giáo viên giỏi tăng dần ở cấp huyện 6 đ/c, đó là các đ/c Mai Thị Thoa, Đỗ Thị Quyên, Nguyễn Thị Hoàn, Trịnh Thị Thủy, Nguyễn Thị Bích, Phạm Hữu Tâm. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đầu cấp đạt 100%, trường được công nhận phổ cập đúng độ tuổi, chất lượng đại trà thu được kết quả khả quan. Hàng năm học sinh tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi các cấp về văn hóa cũng như năng khiếu đều đạt kết quả tốt, như em: Trần Thu Hiền( thôn 6), em Nguyễn Đình Quyết( thôn 5), em Lê Thu Hiền( thôn 7) đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi là các em Nguyễn Đình Ngọc( thôn 5), em Nguyễn Thị Nga( thôn 3).
Lãnh đạo địa phương đã xác định Giáo dục là quốc sách hàng đầu nên đã ưu tiên cho phát triển giáo dục và đã đóng góp sức người , sức của cho việc phát triển giáo dục, Tiểu học có một khu trường khang trang, với 8 phòng học cao tầng, 2 phòng cấp 4, 1 phòng đội, 1 phòng bảo vệ 1 phòng thư viện với rất nhiều đầu sách phục vụ cho công tác dạy học và giáo dục học sinh, 1 văn phòng và khu hiệu bộ đóng trên địa bàn thôn 7.
Đến tháng 12 năm 2005 trường do cô Nguyễn Thị Nhu quê Quảng Quảng Giao làm hiệu trưởng, cô Bùi Thị Thu người Quảng Tân làm hiệu phó.
Đến tháng 9 năm 2006 nhà trường do cô Nguyễn Thị Thủy quê Tĩnh Gia làm hiệu trưởng.
Nhận thức rõ trình độ tri thức, đạo đức của người thầy có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhận thức thẩm mỹ, hoàn thiện nhân cách, lối sống cho học sinh, chi ủy chi bộ BGH nhà trường kiên quyết đấu tranh phòng chống những tiêu cực. Thường xuyên phát động phong trào tự học, tự bồi dưỡng, yêu cầu giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức các buổi dự giờ, dạy đối chứng chuyên đề, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho CB-GV theo học trên chuẩn.
Vào giai đoạn này mọi nề nếp của thầy và trò trong trường cũng được thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó Công đoàn cũng không ngừng chấn chỉnh, đẩy mạnh phong trào( dạy tốt-học tốt), từ đó chất lượng học sinh được nâng lên một các rõ rệt, tỉ lệ đậu học sinh giỏi các cấp nhiều. Năm học 2006-2007 có 8 học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh trong đó có em Lê Thị Chinh lớp 5B đạt giải nhất, em Nguyễn Thị Thanh Ngoan đạt giải nhì thi vẽ tranh: 2 em học sinh đạt giải chữ đẹp cấp huyện). GV tổng phụ trách đội giỏi( cô Vũ Thị Thảo), có 4 SKKN đạt giải cấp huyện 2 SKKN được gửi dự thi cấp tỉnh là cô Nguyễn Thị Thủy, cô Trần Thu Hoài. SKKN về công tác giáo dục của cô Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường đã được xếp loại B cấp tỉnh.
Năm học 2007 - 2008, có 7 em học sinh đạt giải cấp huyện, 2 GV đạt GV giỏi cấp huyện ( cô Trần Thu Hoài, cô Nguyễn Thị tuyết). Nhà trường đã hoàn tất hồ sơ đề nghị khen thưởng trường tiên tiến cấp huyện.
Từ năm 2009 - 2010 đến năm học 2015-2016: Trong những năm học này tập thể nhà trường luôn đạt được nhiều thành tích cao trong giảng dạy và học tập, có nhiều học sinh đạt học sinh cấp huyện và cấp tỉnh, số lượng giáo viên dạy giỏi cấp huyện tăng lên, Năm 2010 trường được đầu tư xây dựng với tổng giá trị lên tới 200 triệu đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất và trường đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 , năm học 2013-2014 trường có cô Đỗ Thị Quyên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2013 trường được chuyển về khu mới với diện tích 7000m2 gồm 2 dãy nhà cao tầng kiên cố với 12 phòng học nằm ngay trung tâm xã thuận lợi cho việc đưa đón học tập của con em trong địa phương. Nhà trường nhiều năm đạt tập thể lao động tiên tiến và được chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.
7. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Năm 2016 là năm bước ngoặt đối với xã Quảng Minh khi được tách từ huyện Quảng Xương và nhập về thị xã Sầm Sơn sau này là thành phố Sầm Sơn, sự chuyển giao về địa giới hành chính đã không làm ảnh hưởng đến sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân địa phương và giúp cho nhân dân trong xã có cuộc sống ngày càng ổn định và khá hơn.
Từ tháng 11 năm 2016 trường do đ/c Nguyễn Văn Ninh quê Quảng Cát làm hiệu trưởng, tháng 8 năm 2017 đến nay cô Nguyễn Thị Hiền quê Quảng Giao làm hiệu phó. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ đầy năng động, nhiệt tình và giỏi giang, cùng với sự chỉ đạo sát sao của phòng giáo dục, sự quan tâm, chỉ đạo của các ấp ủy đảng, chinh quyền địa phương, sự ủng hộ đóng góp của phụ huynh trường Tiểu học Quảng Minh luôn gặt hái được nhiều thành tích cao:
Năm học 2015 2016 nhà trường được chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn tặng giấy khen.
Năm học 2016 2017 : Thi khảo sát chất lượng khối 5 xếp thứ 8 / 13 trường trong thị xã.
- Thi khảo sát chất lượng khối 4 xếp thứ 5/ 13 trường trong thị xã.
- Nhà trường tham gia vẽ tranh với chủ đề: Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy có 2 em đạt giải khuyến khích, xếp thứ 8 cấp Thị xã.
- Có 5 em đạt giải trong kỳ thi giao lưu câu lạc bộ em yêu Toán-Tiếng việt lớp 5 ( 3 giải ba và 2 giải khuyến khích)
- Có 1 em đạt giải khuyến khích cấp tỉnh, vẽ tranh với chủ đề: Vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
- Kiểm tra toàn diện cuối năm của Phòng giáo dục xếp loại: Tốt. Nhà trường được Giám đốc Sở GD ĐT Thanh Hóa tặng giấy khen.
Năm học 2017-2018: Thi khảo chất lượng các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh nhà trường luôn đứng trong tốp 5 của thành phố Sầm Sơn, có 2 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, Thi nghi thức Đội đạt giải 3 cấp thành phố. Nhà trường được Thành phố Sầm Sơn tặng tập thể lao động tiên tiến, 3 đồng chí đạt chiến sĩ thi đua cơ sở. Chi bộ đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Năm học 2018-2019: Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ giáo viên trường Tiểu học Quảng Minh liên tục đạt nhiều thành tích như có 2 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, thi công tác đội đạt giải 3 cấp thành phố, thi tìm hiểu quan hệ đặc biệt Việt Nam Lào đạt giải KK, thi khảo sát các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh luôn nằm trong tốp 6 trường có chất lượng tốt nhất. Nhà trường đạt tập thể lao động tiên tiến. Nhà trường được Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hóa kiểm tra và công nhận lại trường Chuẩn Quốc gia mức độ 1, công nhận thư viện đạt chuẩn ngày 15/6/2018.
LỜI KẾT:
Nhìn lại chằng đường xây dựng và trưởng thành hơn 50 năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Trường Tiểu học Quảng Minh đã không ngừng phấn đấu thực hiện tốt chiến lược con người. Mái trường này là nơi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng lâu đài kiến thức cũng như nhân cách mỗi người con Quảng Minh. Nửa thế kỷ trôi qua, từ những ngày đầu số giáo viên còn ít(03GV) mà đến nay đã có một đội ngũ cán bộ gồm 20 thầy cô giáo và đạt 100% chuẩn và trên chuẩn.
- Có 15 lượt người được công nhận là GV giỏi cấp huyện, tp
- Có 2 lượt người được công nhân là GV giỏi cấp tỉnh
- Có 4 lượt người được công nhân có SKKN cấp tỉnh
- Có 6 lượt người được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp huyện, Thành phố.
- Từ năm 2002 đến nay là đơn vị đạt chuẩn phổ cập GD Tiểu học
- Có hàng chục học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh
- Có hàng trăm học sinh giỏi cấp trường
- Chi bộ đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh từ năm 2001 đến 2003, năm 2006, 2015-2019
- Nhà trường đạt tập thể lao động tiên tiến cấp huyện, cấp thành phố năm 2002 đến 2004, 2014,2015, 2017,2018,2019
- Đội thiếu niên tiền phong đạt thành tích xuất sắc và được khen thưởng trong nhiều năm.
- Nhiều học sinh từ mái trường quê nhà đã trưởng thành:
+ Ông: Nguyễn Quang Hiếu( thôn 3) nguyên công tác tại bệnh viện 103.
+ Ông: Nguyễn Huy Nho( thôn 6) công tác tại Bộ Ngoại giao.
+ Ông: Nguyễn Thành Nam ( thôn 7) hiện là giảng viên học viện kỹ thuật quân sự.
+ Ông: Lê Văn Cương( Thôn 5) Đại tá hiện công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt và có rất nhiều người là sĩ quan quân đội, nhiều người có trình độ đại học và trên đại học.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ mà oanh liệt, đã có 80 người con của xã Quảng Minh, anh dũng hi sinh cho nền độc lập. Thầy giáo Nguễn Đình Duyên , rời bục giảng cầm súng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, các anh đã không tiếc tuổi xuân của đời mình, đem lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho chúng ta hôm nay.
Nhiều người là cán bộ xã, thôn và lớp Đảng viên, Đoàn viên, xã viên đang trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng có trình độ văn hóa, đều đã từng có thời gian học tập, tu dưỡng và rèn luyện dưới mái trường Tiểu học quê nhà.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, so với lịch sử của địa phương chỉ là một thời gian hết sức ngắn ngủi, nhưng với phương diện mở mang dân trí và sự nghiệp trồng người thì 56 năm xây dựng và trưởng thành của trường Tiểu học Quảng Minh là cả một thời kỳ đầy ý nghĩa. Giờ đây hơn lúc nào hết tập thể CBGV nhà trường nguyện đồng sức, đồng lòng xây dựng nhà trường thành một tập thể sư phạm đoàn kết, nhất trí. Thi đua dạy tốt-học tốt để dần dần khẳng định được niềm tin với quê hương và phụ huynh học sinh, để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ thầy và trò trường Tiểu học Quảng Minh đã xây dựng.
Quảng Minh, ngày 27 tháng 5 năm 2020.
T/M Ban biên tập
Hiệu trưởng
Nguyễn Văn Ninh